Tại các lễ hội là nơi tập trung đông người không những có các thiện nam, tín nữ, tín đồ có văn hóa, trình độ, nhận thức, hành vi, hành động ứng xử, mục đích khác nhau, do vậy dễ gây ra những hành động không chuẩn mực về chân giá trị như vượt rào (phá rào cướp Ấn tại đền Trần, Nam Định); xoa tiền, chạm tay vào các hiện vật (tại Quốc Tử Giám, đền Quán Thánh); cờ bạc, rượu chè, trộm cắp, đánh nhau (tệ nạn cờ bạc ở Hội Lim, lễ hội Cổ loa, chợ Viềng… dưới dạng các trò chơi tôm, cua, ốc…, đánh nhau hỗn loạn tại lễ hội cướp phết diễn ra chiều 12 và 13/1 (âm lịch) tại đền thờ nữ tướng Thiều Hoa, làng Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ); hiện tượng khấn thuê, xem bói, bán hàng, kinh doanh các dịch vụ văn hóa có tính chất chặt chém diễn ra hầu khắp tại các nơi danh lam, thắng cảnh, đình chùa lớn… Tất cả những hiện tượng trên mất an ninh, trật tự an toàn xã hội đe dọa đến sự an toàn về tài sản, tinh thần, tính mạng, lòng tin của du khách thập phương vào tâm linh và làm mất đi ý nghĩa của lễ hội. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động nước ngoài cấu kết với các phần tử bất mãn, các phần tử lười lao động… trong nước tuyên truyền, truyền bá văn hóa phẩm độc hại (tuyên truyền các đạo lạ, tuyên truyền sai các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, văn hóa phẩm đồi trụy…) làm phức tạp hơn tình hình trật tự trong dịp lễ hội; do đó càng khó khăn hơn trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các dịp lễ hội; đặc biệt là trong dịp lễ hội đầu năm.
Nguyên nhân xảy ra các tệ nạn trên có thể là do:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương chưa coi việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong lễ hội là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; coi việc đảm bảo trật tự an toàn trong lễ hội là nhiệm vụ có tính thời kỳ, thời vụ. Chính vì lẽ đó, một số cán bộ được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm công tác này thường được huy động từ các thanh niên nhàn rỗi từ các địa phương, các cán bộ hưu trí, người mất sức lao động chưa được bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng xử lý nên không tinh thông về nghề nghiệp, không có chuyên môn nghiệp vụ, bối rối trong xử lý và giải quyết các vấn đề, tình huống phức tạp xảy ra.
Thứ hai, việc đảm bảo trật tự an toàn trong các lễ hội chưa được coi đặc biệt quan trọng, nên chưa được luật hóa, chưa có sự hướng dẫn thông suốt từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Vì vậy cơ cấu tổ chức, mô hình tổ chức cho việc đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội trong các lễ hội thường được thực hiện dựa trên kinh nghiệm, thiếu khoa học. Mặc dù việc đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội tại các khu lễ hội thực sự phức tạp mang tính liên ngành nhưng tùy thuộc vào quy mô, hình thức, mức độ, ảnh hưởng khác nhau của các lễ hội mà có cơ chế quản lý, hệ thống tổ chức quản lý đặc thù riêng.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trong các dịp lễ hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập, nhiều khi kém về nhận thức, yếu về kỹ năng, chuyên môn, thậm chí chưa được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để xử lý các tình huống xảy ra, thậm chí cả nề với tình làng, nghĩa xóm. Các cán bộ lãnh đạo ban, nhóm đảm bảo an ninh trật tự trong các dịp lễ hội thường kiêm nhiệm, không chuyên trách. Lễ hội là lĩnh vực phức tạp, là một phần tất yếu của cuộc sống, do đó, các tình huống xảy ra rất phức tạp, nhạy cảm động chạm đến tâm linh, khơi nguồn ý thức của con người. Vì vậy, các cán bộ quản lý trong lĩnh vực này phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu, kiến thức tổng hợp, kỹ năng giải quyết các vấn đề. Đây là một trong nhưng vấn đề nan giải nhất không chỉ trong lĩnh vực đảm bảo an toàn trong dịp lễ hội mà còn là vấn đề nan giải đối với tất cả các lĩnh vực khác.
Thứ tư, các chính sách đãi ngộ đối với lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trong các dịp lễ hội chưa được coi trọng; chưa có tính chất động viên kích thích lực lượng đảm bảo an ninh này; do vậy chính lực lượng này không nhiệt tâm, nhiệt huyết, hết lòng với công việc.
Thứ năm, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu thanh tra, kiểm tra trong hoạt động quản lý nhà nước trong các lễ hội còn chưa thật sít sao, xử lý chưa nghiêm minh các sự cố xảy ra đối với các cán bộ phụ trách, lực lượng tại chỗ; dẫn đến lực lượng được thành lập nhiều khi chỉ được làm vì; còn việc vi phạm an ninh trật tự an toàn xã hội trong lễ hội vẫn xảy ra như vi phạm ở đền Bà Chúa kho, hội Lim, đền Trần...
Giải pháp khắc phục
Để khắc phục được các vấn đề trên, đưa các hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng trong lễ hội đúng bản chất của nó, coi nó là một thuộc tính tất yếu của cuộc sống cần có những giải pháp quyết liệt sau:
Một là, nhận thức của các cấp Ủy Đảng, các nhà lãnh đạo, các cán bộ quản lý phải coi việc đảm bảo an ninh - trật tự an toàn xã hội trong lễ hội là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; đó phải là nhiệm vụ chính trị được ưu tiên hơn các việc khác vì nó động chạm đến tâm linh, niềm tin của con người.
Hai là, việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn trong lễ hội cần được luật hóa, có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để tạo điều kiện hoàn thiện, kiện toàn hệ thống tổ chức về đảm bảo an ninh, trật tự trong lễ hội. Phải thành lập các ban, phòng, nhóm... trực thuộc ủy ban các cấp; người đứng đầu các ban, phòng, nhóm này phải là cấp trưởng hoặc Phó Chủ tịch ủy ban các cấp; các thành viên; các thành viên trong các ban, phòng, nhóm này được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, không kiêm nhiệm, không manh mún, không mang tính thời vụ; được điều động từ sở (cấp tỉnh), phòng (cấp huyện), cán bộ cấp xã các lực lượng trực tiếp giải quyết công việc này phải liên tục được bồi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề và các kiến thức về văn hóa tâm linh. Cần có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho lực lượng này; có như vậy mới ràng buộc trách nhiệm vào công việc cụ thể. Xử phạt nghiêm minh các cán bộ, các lực lượng thi hành không tuân thủ nguyên tắc, quy chế làm việc hoặc để xảy ra mất an ninh - trật tự an toàn trong lễ hội; bên cạnh đó các đối tượng vi phạm an ninh, trật tự an toàn trong lễ hội cần được xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe, ngăn chặn, không xuề xòa, cả nể.
Ba là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ý nghĩa lễ hội đối với đời sống của mỗi con người, cộng đồng, xã hội, dân tộc.
Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội xử lý nghiêm minh các hành vi gây mất thuần phong, mỹ tục, phản cảm.
Lễ hội là linh hồn của quốc gia, nó ảnh hưởng sâu sắc đến khơi nguồn nhận thức của con người, chiếu rọi đến quá khứ, hiện tại, tương lai của mỗi con người, cộng đồng, xã hội, quốc gia; nhìn vào lễ hội người ta biết được tầm vóc của quốc gia đó, tương lai, con đường của quốc gia phát triển và hướng đến.Vì vậy việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong lễ hội là một trong những việc cần làm ngay. Hy vọng các giải pháp trên sẽ góp phần đảm bảo tốt an ninh, trật tự an toàn xã hội, không để các sự việc đáng tiếc xảy ra.
TS. Trịnh Đức Hưng
Học viện Hành chính