Kế hoạch ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy; không để phát sinh tại những địa bàn chưa có tệ nạn ma túy; địa bàn có tệ nạn ma túy nhưng chưa nghiêm trọng thì tích cực đấu tranh giảm dần, xóa bỏ; đối với địa bàn có tệ nạn ma túy hoặc tệ nạn ma túy nghiêm trọng thì kiên quyết đấu tranh để giảm cơ bản; đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các hình thức, biện pháp cai nghiện trên địa bàn tỉnh thông qua triển khai thực hiện các mô hình cai nghiện có hiệu quả…
Việc triển khai thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh An Giang, ưu tiên và tăng cường hỗ trợ cho các địa bàn có nhiều người nghiện ma túy; áp dụng cho người cai nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định, người sau cai nghiện ma túy; công chức, viên chức làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội tỉnh; cơ sở điều trị nghiện ma túy; công chức, viên chức làm công tác quản lý sau cai nghiện ma túy; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh An Giang.
Theo đó, tỉnh An Giang tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, ngành, đoàn thể các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy; đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện dựa vào cộng đồng; phát động toàn dân phòng ngừa tệ nạn xã hội và vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp; huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm, ổn định cuộc sống; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng; huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai, lồng ghép công tác cai nghiện với các chương trình kinh tế - xã hội…
Trong năm qua, nhằm giải quyết tình trạng người sử dụng trái phép chất ma túy tiêm chích công khai nơi công cộng, tại cộng đồng dân cư, gây bức xúc trong dư luận, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần làm hạn chế phát sinh người nghiện mới và gia tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng, UBND tỉnh An Giang quyết định thành lập cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án tiếp nhận người nghiện ma túy vào cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh An Giang đã lập hồ sơ đưa 2.133 người vi phạm trái phép chất ma túy vào cơ sở và lập hồ sơ chuyển Tòa án nhân dân các cấp huyện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Để đảm bảo công tác tiếp nhận, quản lý, cắt cơn nghiện, giải độc, tư vấn tâm lý đối tượng, cơ sở phối hợp trung tâm phân công lãnh đạo trực, bố trí nhân viên bảo vệ, cán bộ y tế và thành lập tổ công tác tiếp nhận, quản lý hồ sơ, hướng dẫn thủ tục bảo lãnh, giải quyết thăm gặp đảm bảo tiếp nhận 24/24 giờ, kể cả các ngày nghỉ. Tại cơ sở, các đối tượng còn được sinh hoạt truyền thông về các thủ tục và văn bản pháp luật liên quan đến sử dụng ma túy trái phép, kiến thức về tác hại của ma túy, vệ sinh môi trường, dự phòng các bệnh truyền nhiễm…
TH