Với mục đích phục vụ thiết thực cho người nông dân, tạo việc làm và kích thích sự đa dạng về các hoạt động kinh tế, kinh doanh ở khu vực nông thôn, Hội Nông dân và các hộ tham gia đóng góp số tiến 9,3 tỷ đồng (tương đương 347.750 euro). Như vậy, với tổng kinh phí thực hiện dự án 18,4 tỷ đồng sẽ có 15 xã thực hiện dự án du lịch nông dân trong tỉnh An Giang, gắn với các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử như ở xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên có khu Lưu niệm Bác Tôn Đức Thắng, có vườn cây ăn trái, du khách sẽ thưởng ngoạn trên sông, tắm bùn phù sa, thu hoạch hoa màu, trái cây, tát mương, kéo lưới, câu cá, mò ốc, tham gia các trò chơi dân gian, chế biến các món ăn dân dã.
Mỗi xã có từ 5 đến 10 hộ tham gia dự án, tổng số hộ tham gia hưởng lợi trực tiếp từ 75 đến 100 hộ nông dân, chưa kể số hộ được hưởng lợi gián tiếp từ chương trình đào tạo. Dự án đã hình thành các điểm du lịch ở ba xã Mỹ Hòa Hưng - thành phố Long Xuyên, xã Văn Giáo - huyện Tịnh Biên và xã Tân Trung- huyện Phú Tân với từ 10 đến 15 hộ tham gia mỗi điểm, các dịch vụ bao gồm homestay, ẩm thực đồng quê, du thuyền trên sông, tham quan rừng tràm Trà Sư, săn cá bông lau... thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, kể cả khách quốc tế.
Nhằm góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch nông nghiệp của hội viên, Trung tâm Du lịch nông dân tỉnh An Giang thực hiện nhiệm vụ kết nối khách du lịch với nông dân, quảng bá du lịch nông nghiệp, đại diện cho nông dân về mặt pháp lý, tạo điều kiện cho nông dân hợp tác với nhau, đào tạo và hướng dẫn nông dân, quản lý chất lượng, quản lý việc xây dựng các kế hoạch du lịch nông nghiệp và khách du lịch giữa các hội viên nông dân để tránh cạnh tranh không lành mạnh.
L.T