Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu đã giới thiệu khái quát về các định hướng phục hồi ngành Du lịch của tỉnh sau tác động của đại dịch COVID-19 và chiến lược kích cầu du lịch tại các thị trường khách du lịch quốc tế, trong đó có Ấn Độ.
Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà cho rằng hội nghị lần này sẽ góp phần tăng cường chia sẻ thông tin, kết nối chặt chẽ giữa Ấn Độ với các tỉnh Nam Trung Bộ của Việt Nam; đồng thời là dịp để các tỉnh Nam Trung Bộ gắn kết, tạo sản phẩm du lịch đa dạng để thu hút khách du lịch nói chung và du khách Ấn Độ nói riêng trong thời gian tới.
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, Khánh Hòa là một trong những địa phương được Ấn Độ ưu tiên lựa chọn kết nối, hợp tác du lịch trong thời gian tới. Ông Pranay Verma mong muốn chính quyền tỉnh Khánh Hòa quan tâm hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp của Ấn Độ và Việt Nam hợp tác khai thác các tour du lịch đưa khách Ấn Độ đến các tỉnh Nam Trung Bộ và ngược lại; người dân các tỉnh Nam Trung Bộ ưu tiên lựa chọn các điểm đến của Ấn Độ khi có nhu cầu đi tham quan, du lịch.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 733 nghìn lượt, tăng 73%. Lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam trong tháng 7 đạt 11.700 lượt, trở thành một trong những thị trường có tốc độ phục hồi nhanh nhất. Ấn Độ là một thị trường du lịch tiềm năng quan trọng đối với Việt Nam và được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Với hàng loạt các hoạt động hợp tác, quảng bá du lịch giữa hai nước trong thời gian qua cùng việc khai thác các đường bay thẳng kết nối các thành phố lớn của hai nước do các hãng hàng không Indigo, Vietjet Air, Vietnam Airlines, Việt Nam và Ấn Độ đều sở hữu nhiều tiềm năng to lớn có thể bổ sung cho nhau, cùng hợp tác, phát triển mọi lĩnh vực, đặc biệt có lĩnh vực du lịch.
Tại Hội nghị xúc tiến du lịch Ấn Độ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng, vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam có vị trí thuận lợi để phát triển du lịch, đa dạng các sản phẩm, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế, trong đó có khách du lịch Ấn Độ, bao gồm Con đường di sản miền Trung, Con đường xanh Tây Nguyên, Hành lang du lịch Đông-Tây, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển gắn với biển đảo và các tài nguyên du lịch sinh thái hấp dẫn. Duyên hải Nam Trung Bộ còn sở hữu cho mình sự đa dạng về giá trị văn hóa, điển hình là văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, đặc biệt là văn hóa lịch sử cách mạng.
Qua đó, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy mong muốn cơ quan du lịch quốc gia Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch và các cơ quan hữu quan Việt Nam đơn giản các thủ tục xuất nhập cảnh, phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi khách lẫn nhau và khách từ nước thứ ba tới du lịch hai nước. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng đề nghị UBND các tỉnh Nam Trung Bộ quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác, thúc đẩy phát triển quan hệ hai chiều, tham gia tích cực với Tổng cục Du lịch tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch tại Ấn Độ trong thời gian tới. Các doanh nghiệp hàng không, du lịch Việt Nam và Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thúc đẩy trao đổi khách hai chiều giữa hai quốc gia.
Thông qua hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy tin tưởng rằng hoạt động giao lưu du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ mạnh mẽ hơn, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị bền chặt của hai nước.
PV