Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp dự kiến đầu tư 90 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục như hệ thống đường kết nối trung tâm Vườn đến các điểm du lịch thuộc các phân khu A1, A2, A3, A4, A5; nạo vét các ao hồ, kênh mương, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch; xây dựng giếng cấp nước; sửa chữa các cống...
Việc đầu tư hạ tầng phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ gắn với nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững các sinh cảnh rừng tràm, đồng cỏ ngập nước và các sinh cảnh khác, bảo tồn các loài chim quý hiếm, đặc biệt là sếu đầu đỏ.
Hiện nay, Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ tổ chức tour tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi định kỳ hàng năm từ 2016-2020. Việc tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim với các hoạt động như trải nghiệm đua xuồng, xe đạp nước, ngủ trong rừng tại đài quan sát, làm nông dân đập lúa trời, tham quan vườn chim sinh sản, giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, lợp bắt cá... Các loại hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, trải nghiệm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim được xem là "lá phổi xanh" của Đồng Tháp Mười.
Tổng diện tích của Vườn 7.313ha, trong đó rừng tràm có diện tích gần 3.000ha có tuổi thọ từ 10-20 năm, thảm thực vật phong phú với trên 130 loài khác nhau, có 129 loài cá nước ngọt sinh sống, 198 loài chim nước. Tràm Chim còn có 29 loài lưỡng cư, bò sát thuộc 3 bộ, 11 họ và 25 giống...
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch sinh thái bền vững nhằm hướng đến sự bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Tràm Chim, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đưa những giá trị sinh thái của Vườn thành sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười; đồng thời thay đổi nhận thức về bảo tồn hệ sinh thái Tràm Chim, mang lợi ích cho cộng đồng địa phương./.
Nguồn: Toquoc.vn