Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng 2/2021, giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm 0,14% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 2/2021 tăng 1,58% so với tháng 12/2020. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối tương đổi ổn định, tính đến ngày 23/2/2021, huy động vốn giảm 0,48%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,26% so với cuối năm 2020.
Về thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 21,3% dự toán năm, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 207,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán năm, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 2/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2021 ước đạt 439,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020; tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%. 2 tháng đầu năm, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký và tăng 9,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; hơn 11 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng năm 2021 lên 29,2 nghìn doanh nghiệp; có 33,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thế và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020 (bao gồm: 21,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34%; 8,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,7%; 3,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thế, tăng 28,1%).
Về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng 2, tình hình dịch tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt ở tỉnh Hải Dương với số ca nhiễm bệnh tăng lên từng ngày. Tại các địa phương khác, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM nhiều ngày liên tục không ghi nhận ca lây nhiễm…
Trước tình hình đó, các cấp, các ngành đã xem xét, quyết định nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục để xuất, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp.
Thông tin rõ hơn về công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, ngày 24/2, lô vaccine đầu tiên của Công ty SK Bioscience Co Limited-Hàn Quốc đã về đến Việt Nam. Hiện đã giao Viện Kiểm định quốc gia - Bộ Y tế kiểm định.
Việc tiêm vaccine sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, theo đó ưu tiên những đối tượng cần tiêm và đối tượng miễn phí, ngoài ra ưu tiên các tỉnh, thành phố có dịch, ưu tiên vùng dịch bệnh. Trong trường hợp này, Hải Dương sẽ là 1 trong các tỉnh được ưu tiên tiêm trước theo các đối tượng ưu tiên tại Nghị quyết của Chính phủ.
“Về lộ trình và tiến độ tiêm, hiện có 117.600 liều vaccine. Cuối tháng 4/2021, vaccine sẽ tiếp tục về. Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nhân lực, dây chuyền lạnh để triển khai tiêm khi vaccine về”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho hay.
VH