Bình yên Bắc Sơn
Xuất hiện trong phim Hướng dương ngược nắng, Bắc Sơn hiện lên với khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả xanh mướt cùng nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Cảnh quay nhân vật bé Minh và bà cụ người dân tộc Tày bên bờ suối khi đi tìm ‘người nhà’, cảnh 2 chị em Minh cõng nhau trên con đường mòn hai bên đường xanh mướt cỏ cây hay cảnh ngôi đình bên cạnh gốc cây cổ thụ Minh và Phúc thường hay ngồi… đều toát lên vẻ đẹp mộc mạc của miền quê yên bình. Cái không khí ấy khác hẳn với những ồn ào, náo nhiệt ở phố thị. Chính vì lẽ đó, nơi đây đã thu hút sự quan tâm của những du khách muốn rời xa phố thị để tận hưởng không khí trong lành của miền non nước Bắc Sơn.
Theo sử sách, Bắc Sơn là huyện có nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, nơi đây các nhà khảo cổ đã phát hiện ra cả một nền văn minh của người Việt cổ, vào sơ kỳ đồ đá mới, mang tên văn hóa Bắc Sơn. Đây cũng là căn cứ địa kháng chiến (căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai), nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, chống Nhật và Pháp của lực lượng Việt Minh những năm 1940. Cư dân Bắc Sơn gồm người Kinh, Nùng, Dao, Tày… với những nếp nhà sàn truyền thống đặc trưng, điểm tô cho cảnh quan Bắc Sơn thêm phần mộc mạc, thanh bình.
Thiên nhiên ưu đãi Bắc Sơn nhiều lợi thế về cảnh quan, văn hóa cũng như con người nhờ đó du lịch Bắc Sơn có thể đáp ứng nhiều nhu cầu dịch vụ du lịch từ tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử đến nghỉ dưỡng, thám hiểm hay trải nghiệm làm nông, hái quýt, làm dược liệu…
Tuy nhiên, với những du khách lần đầu đến Bắc Sơn không thể bỏ qua các địa danh: Núi Nà Lay để phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao; Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn thuộc xã Quỳnh Sơn - một bức tranh đa sắc màu; thung lũng hoa Bắc Sơn ở thôn Lân Khoang, xã Trấn Yên - điểm hẹn lý tưởng cho những người yêu hoa ở vùng Đông Bắc; suối Mỏ Mắm (thôn Quang Trung I, xã Chiến Thắng) đang là một trong những điểm du lịch thu hút những người thích khám phá; hang Rù Hon với cảnh quan vô cùng hùng vĩ, có nhiều vòm cao hơn 150 mét, ăn sâu dường như bất tận trong lòng núi đá. Hệ thống thạch nhũ nguyên sơ mang hình những thác đá, trống đá, đầu rồng, tiên ông, ao tiên, cung nữ, thạch quái… muôn hình vạn trạng với đủ cung bậc màu sắc, hấp dẫn sự trải nghiệm và khám phá; hang Khuôn Bồng ở xã Vũ Lễ, dài khoảng 10km vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, kỳ thú với vô vàn các loại thạch nhũ và hầu như chưa có nhiều người biết đến.
Và, điểm đến rất ấn tượng trong phim Hướng Dương ngược nắng - ‘điểm hẹn’ của Minh và Phúc mỗi khi có sự kiện đặc biệt chính là đình Nông Lục. Ngôi đình bên gốc cây cổ thụ thuộc xã Hưng Vũ là biểu tượng hài hòa của lối kiến trúc đình cổ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ với lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn.
Bên cạnh những địa danh nổi tiếng đó, đến Bắc Sơn, du khách còn có thể nhận thấy điều đặc biệt ở cánh đồng lúa mang lại cảm giác lâng lâng khác lạ cho những ai được tận mắt ngắm nhìn. Đó là khung cảnh những thửa ruộng như “tấm thổ cẩm” khổng lồ được tạo nên với nhiều màu đặc sắc, đan xen của ruộng lúa chín, lúa xanh, vừa mới cấy hay còn xâm xấp nước… Từ khoảng tháng 7-10 là thời điểm đẹp nhất của cánh đồng lúa Bắc Sơn. Sắc vàng ruộm của lúa vừa chín tới là chủ đạo, nhưng xen kẽ vẫn có màu xanh đang chờ thu hoạch hay màu nâu đỏ của những vạt ruộng vừa gặt sớm.
Nếu muốn tìm hiểu về văn hóa bản xứ, du khách có thể đến Bắc Sơn vào dịp đầu năm (âm lịch) để tham gia lễ hội Lồng Tồng của người dân Quỳnh Sơn. Thường lễ hội diễn ra vào khoảng 12-13 tháng Giêng với nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn. Sau phần lễ tế Thần Hoàng là rất nhiều trò chơi dân gian như cày hạ điền, đánh đu, tung còn, kéo co, cờ tướng, giã gạo.
Có 3 cung đường chính từ Hà Nội lên Bắc Sơn, đó là cung đường Hà Nội – Lạng Sơn – Bắc Sơn; Hà Nội – Hữu Lũng – Lạng Giang – Bắc Sơn; Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Sơn. Tuy nhiên, nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân du khách nên di chuyển theo cung đường Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Sơn sẽ tiện lợi hơn.
Quyến rũ hoa cải Mộc Châu
Mới đây, trong phim Hướng Dương ngược nắng cũng đã xuất hiện những cảnh quay đầy lãng mạn của Châu (Hồng Diễm) – Phúc (Quốc Đam) ở một vùng quê xinh đẹp. Địa điểm trong những cảnh quay này là ở Mộc Châu, Sơn La với hoa mận, hoa cải trắng đẹp say lòng người.
Để trải nghiệm cảm giác “như phim” khi đi trên con đường ngập tràn hoa cải, hoa mận, du khách nên tới Mộc Châu vào thời điểm tháng 11 và tháng 12. Lúc này Mộc Châu như mặc thêm áo mới, hoa cải phủ trắng các quả đồi và các nẻo đường tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tại Mộc Châu, Bản Áng, Ba Phách, bản Lùn hay Bó Bun… là những điểm ngắm hoa cải trắng đẹp tuyệt tựa như những thiên đường hoa.
Bản Lùn (xã Mường Sang) cách trung tâm thị trấn 7km, hướng đi về cửa khẩu Loóng Sập. Nơi đây được dân phượt mô tả “đẹp như phim Hàn Quốc”. Hoa cải trắng bản Lùn mang nét đẹp dịu dàng, quyến rũ. Từng cánh hoa mỏng manh rung rinh trước gió, tựa mình vào cành lá xanh non, trải mênh mông trên triền đồi như có ma lực cuốn hút ánh nhìn và khiến tâm hồn ta như muốn hòa vào không gian.
Bản Bó Bun nằm trong thị trấn Nông trường, gần bản văn hóa dân tộc Mường. Bó Bun có diện tích khoảng 3.000m2. Ở đây có nhiều điểm homestay cho du khách lựa chọn như Mường Mộc, Mộc Phong Vân,... Để vào đây du khách cần mua vé tại Nhà hàng ẩm thực Mộc Châu Xanh (cách vườn cải 50 m) với giá 10.000 đồng/người.
Nằm cách đồi chè trái tim khoảng 8km theo đường vào xã Tân Lập, thung lũng Nà Ka là điểm nên đến vì nơi đây được bao phủ bởi hoa cải trắng rất đẹp. Để đến Nà Ka chỉ có thể di chuyển bằng xe máy và phải đi qua 2km đường rất xấu. Phí tham quan là 20.000 đồng/người.
Bản Pa Phách được đánh giá là điểm đến lý tưởng dành cho du khách vì đến đây có thể gặp bà con người Mông. Những người yêu nghệ thuật sẽ có bức ảnh thật đẹp khi điểm nhấn là những người phụ nữ đeo lù cở sau lưng, hay những đứa trẻ quần áo sặc sỡ chạy chơi, hai bên là đồng cải lung linh.
Không chỉ nổi tiếng với đồi Thông, bản Áng, xã Đông Sang còn được biết đến với những cánh đồng cải bát ngát. Điểm khác biệt ở bản Áng là hoa cải ở trong các ruộng nằm rải rác chưa liền mạch thành những cánh đồng cải xinh xinh vô tận. Nếu có thời gian, du khách có thể đi sâu vào bản Áng 1, qua cầu và suối một đoạn sẽ thấy có hoa cải. Tuy nhiên, lối đi này chỉ tiện cho xe máy và ô tô cỡ nhỏ (4 - 16 chỗ). Phí tầm 10.000 đồng/người.
Khải Bình