Một góc Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà
Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận ngày 2/12/2004 với diện tích 26.241ha (16.941ha phần đảo và 9.300ha phần biển). Đây là khu thứ 3 trong số 8 Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới được công nhận tại Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, với chức năng bảo tồn, phát triển và trợ giúp nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững, khu DTSQ quần đảo Cát Bà được ghi nhận như một điển hình về phát triển bền vững gắn với bảo tồn của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, Trưởng Ban quản lý khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, Đỗ Trung Thoại đánh giá cao những thành tựu 10 năm thành lập và bảo tồn khu Dự trữ sinh quyển, đồng thời đề nghị trong thời gian tới huyện Cát Hải và các sở ngành, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường công tác tuyên truyền mục đích ý nghĩa, vai trò của khu Dự trữ sinh quyển thông qua các hoạt động thiết thực; tổ chức rà soát bổ sung, quy hoạch vườn quốc gia Cát Bà, khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời rà soát bổ sung hoàn thiện quy chế quản lý khu Dự trữ sinh quyển theo hướng phát triển bền vững; tăng cường bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển, nghiên cứu các loài mới, bảo tồn cấp bách các loài quý hiếm, nguy cấp như Voọc Cát Bà, Sơn Dương; đẩy mạnh chương trình kinh tế chất lượng, chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, thúc đẩy thương hiệu khu Dự trữ sinh quyển thông qua nhãn chứng nhận; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ nâng cao năng lực bảo tồn và phát triển bền vững khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà.
PV