Phát biểu chào mừng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ cùng sự nỗ lực, hợp tác của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, những năm qua ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Giai đoạn 2015 - 2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt với tốc độ trung bình 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Giai đoạn trước đại dịch, Việt Nam đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Việt Nam đã nhiều lần được bình chọn là điểm đến hàng đầu của thế giới và khu vực với nhiều giải thưởng, danh hiệu uy tín. Tuy nhiên, COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã đẩy ngành Du lịch rơi vào khủng hoảng và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo dự kiến, tới năm 2024ngành Du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới có thể lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.
Đối mặt với nhữngthách thức từ COVID-19, Du lịch Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt và quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ từ ngày 15/3/2022 được xem là quyết định hết sức quan trọng, đúng thời điểm. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, đạt tổng thu khoảng 16,5 triệu USD. Đặc biệt, chỉ trong 9 tháng lượng khách du lịch nội địa đã vượt qua số lượng khách của cả năm 2019 trước đại dịch. Riêng từ các nước GMS đã có hơn 110 nghìn lượt khách đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. Đây là những con số “biết nói” khẳng định sự phục hồi của Du lịch Việt Nam.
Liên quan đến hoạt động hợp tác GMS, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, những năm gần đây hợp tác du lịch GMS đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ các nước, thu hút sự tham gia hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp du lịch và đối tác liên quan. Diễn đàn Du lịch Mê Kông và các phiên họp du lịch liên quan được tổ chức định kỳ, góp phần chia sẻ kinh nghiệm phát triển du l��ch, nắm bắt thông tin, tranh thủ và huy động tài trợ quốc tế nhằm triển khai các dự án du lịch chung của tiểu vùng. Theo đó, du lịch GMS đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình thể hiện qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến tiểu vùng đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách du lịch tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các nước tiểu vùng đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kể.
Nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh trong thời gian tới các nước tiểu vùng cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp sau: tăng cường liên kết, hợp tác nội khối; thúc đẩy hiệu quả hợp tác công - tư và xây dựng quan hệ đối tác mới; đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch chung; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch. “Để tái thiết thành công ngành Du lịch, chúng ta cần cùng nhau hành động với nỗ lực hướng tới mục tiêu chung phục hồi ngành Du lịch Mê Kông. Là các nước có vị trí địa lý gần nhau, với sự tin tưởng lẫn nhau và cơ chế hợp tác du lịch hiệu quả, tôi tin tưởng trong thời gian không xa, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Chào mừng các đại biểu tham dự diễn đàn, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 là sự kiện quốc tế tiêu biểu của Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Đây là cơ hội rất quý để quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể/phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ tới bạn bè, du khách gần xa; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch, đẩy mạnh giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng nhằm thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ; đồng thời tăng cường kết nối các điểm đến du lịch của Việt Nam với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.
Theo bà Suvimol Thanasarakij, Giám đốc điều hành Văn phòng điều phối Du lịch Mê Kông (MTCO), Diễn đàn Du lịch Mê Kông là sự kiện thường niên của ngành Du lịch ở Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996 với mục tiêu tăng cường quảng bá hình ảnh GMS trở thành một điểm đến du lịch thống nhất; thiết lập một diễn đàn du lịch cho cả khu vực công - tư nhân nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến du lịch của tiểu vùng và mở rộng mạng lưới marketing, cơ hội quảng bá GMS cũng như kết nối nguồn lực tạo nên sức mạnh nội lực cộng hưởng cho toàn ngành. Trong bối cảnh ngành Du lịch GMS vừa phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, bây giờ chính là lúc các nước tiểu vùng cần thắt chặt mối quan hệ hợp tác du lịch để tăng tính bền bỉ và hướng tới sự phát triển bền vững.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) trình bày đề dẫn về nội dung “Tương lai của ngành Du lịch - Tư duy lại về du lịch, tư duy lại về quảng bá và quản lý điểm đến”; ông Wouter Schalken - chuyên gia cao cấp về du lịch bền vững, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trình bày nội dung “Hồi sinh du lịch bền vững - Suy ngẫm về Mê Kông”.
Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 trải qua 3 phiên thảo luận. Phiên thảo luận 1 mang chủ đề “Doanh nghiệp công: Một công cụ mạnh mẽ và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững” bàn về cách các doanh nghiệp công đưa ra mô hình kinh doanh mong muốn cho tăng trưởng bao trùm, môi trường bền vững và xây dựng thương hiệu tích cực cho các điểm đến. Phiên thảo luận 2 có chủ đề “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững” tập trung tìm hiểu những cách thức mới để kết nối các bên liên quan đến du lịch Mê Kông với thị trường, tài chính, thiên nhiên và liên kết lẫn nhau để thúc đẩy sự phục hồi bền vững sau suy thoái COVID-19. Với phiên thảo luận 3 - “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”, các đại biểu phân tích góc nhìn rộng hơn về cách công nghệ có thể định hình tương lai của du lịch xanh, các phương thức phát triển thành các mô hình kinh doanh bền vững hơn với môi trường và xã hội thông qua công nghệ số.
Sau các phiên thảo luận là lễ chuyển giao cờ đăng cai Diễn đàn Du lịch Mê Kông năm 2023 cho Campuchia.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022, từ ngày 9 - 14/10 còn diễn ra Phiên họp Ban chỉ đạo Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện (TIIG) giai đoạn 2; Phiên họp Nhóm Công tác Du lịch Việt Nam -Campuchia lần thứ 3; Phiên họp Nhóm Công tác Du lịch Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 50; Phiên họp Hội đồng MTCO; Không gian triển lãm du lịch Việt Nam và Tiểu vùng; chương trình khảo sát du lịch một số điểm đến du lịch Quảng Nam dành cho đại biểu tham gia diễn đàn.
Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) bao gồm Campuchia, Trung Quốc (các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Năm 1992, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 6 quốc gia đã tham gia vào một chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng nhằm tăng cường quan hệ kinh tế. Với sự hỗ trợ của ADB và các nhà tài trợ khác, Chương trình GMS hỗ trợ việc thực hiện các dự án tiểu vùng có mức độ ưu tiên cao trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, môi trường, y tế, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, giao thông vận tải và thuận lợi hóa thương mại, phát triển đô thị. |
Thảo Chi