Hội nghị do UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức với sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cùng đại diện các Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch địa phương, doanh nghiệp lữ hành…
Hà Giang được đánh giá cao về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc sắc, đặc biệt là Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng nhiều giá trị nổi bật. Thời gian qua, Hà Giang đã thực hiện chính sách đồng bộ, mở cửa, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch với mục tiêu đến năm 2020, lĩnh vực du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ phát triển nhanh, bền vững; khai thác có hiệu quả các điểm du lịch, đầu tư các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đưa Hà Giang thành điểm đến hấp dẫn có thương hiệu…
Một số kết quả về tốc độ phát triển du lịch được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nêu ra cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế biết đến Hà Giang chưa nhiều, trong tổng lượng khách 853.746 lượt đến Hà Giang năm 2016, khách quốc tế chỉ đạt 176.537 lượt, mặc dù tăng 21,1% so với năm 2015 nhưng nhìn chung vẫn còn thấp.
“Du lịch Hà Giang mới đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, lại được đặt trong bối cảnh trong vùng có điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng khó khăn; thiếu sự đầu tư trọng điểm và đồng bộ, số lượng dự án được triển khai và đi vào hoạt động còn ít, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng chưa đáp ứng nhu cầu; nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nghiệp vụ…” là những nguyên nhân khiến Du lịch Hà Giang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Chia sẻ những tâm tư của lãnh đạo cũng như những người làm du lịch Hà Giang, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, Hà Giang chứa đựng nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú… song chưa được khai thác đúng mức. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, khảo sát và khôi phục một số lễ hội truyền thống hấp dẫn của Hà Giang để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó sẽ chỉ đạo Tổng cục TDTT đưa những sự kiện thể thao tầm cỡ quốc gia và quốc tế tổ chức tại Hà Giang. Bên cạnh đó Bộ cũng sẽ xem xét tổ chức các hội nghị về văn hóa, du lịch tại địa phương nhằm góp phần vào việc quảng bá du lịch, tăng cường thu hút khách đến với địa phương.
Theo Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, Hà Giang được Ban Bí thư kết luận sẽ xây dựng thành một trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia, nền tảng là công viên địa chất toàn cầu và sự đa dạng các văn hóa dân tộc. Chính phủ cũng đã có quyết định công nhận quy hoạch đầu tư và quy hoạch phát triển du lịch Hà Giang. Lãnh đạo Hà Giang đã tập trung thay đổi cách tiếp cận nguồn lực cho phát triển du lịch. Hà Giang đang triển khai làm việc theo nhóm, phi tập trung hóa nhằm giảm bớt nhân lực, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước, chỉ cần đăng ký qua mạng thành lập doanh nghiệp và chi nhánh tại Hà Giang đề được thực hiện rất nhanh. Hà Giang cũng đã tập trung cho vấn đề khởi nghiệp; trong 7 tháng đầu năm 2017, bình quân 2,5 ngày có một doanh nghiệp được thành lập tại Hà Giang. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Hà Giang có thể tổ chức hội nghị trực tuyến từ tỉnh cho đến các xã trong toàn tỉnh, trực tiếp giải quyết các vấn đề khó khăn thông qua hội nghị trực tuyến, kể cả du lịch…
Nhiều sản phẩm du lịch mới của Hà Giang được giới thiệu tại Hội nghị như: tour “Mây nắng Chiêu Lầu Thi”, kết hợp khám phá, hòa mình vào thiên nhiên, cùng trải nghiệm phong tục, lối sống, nét sinh hoạt của một vùng đất giàu có về văn hóa trên dãy Tây Côn Lĩnh; tour thể thao mạo hiểm “Vượt thác Minh Tân” cùng trải nghiệm sự hùng vĩ của thác; tour “Lịch sử giữa lưng trời” tìm hiểu văn hóa lịch sử, kiến thức tự nhiên, kết hợp với trải nghiệm phong cảnh hùng vĩ tại những điểm di tích một thời từng ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước ta; tour “Trời xanh cao nguyên” trải nghiệm cảm giác bay trên Cao nguyên đá Đồng Văn…
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế cho du lịch Hà Giang trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch để tăng cường thu hút khách đến với Hà Giang. Các ý kiến cho rằng Hà Giang nên phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng văn hóa các dân tộc thiểu số; cải thiện hơn nữa chính sách, giải pháp hỗ trạo nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đưa khách đến huyện giáo biên giới; tăng cường nâng cao nhận thức bà con, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú trong hoạt động du lịch cộng đồng; đẩy mạnh cải tạo hạ tầng giao thông, tăng cường e-marketing, xác định loại hình du lịch trọng tâm.
Trong khuôn khổ hội nghị, Hà Giang đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với các Hiệp hội Du lịch Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa; Trung tâm XTDL Hà Giang và các doanh nghiệp Hà Giang đã ký kết hợp tác với Tổng công ty du lịch Hà Nội, CLB Du lich cộng đồng CTC, Công ty Du lịch Việt Nam – Hà Nội, Tập đoàn Phúc Group, Công ty lữ hành HanoiRedtour… UBND huyện Hoàng Su Phì ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty CP Đầu tư tài chính và phát triển thương mại quốc tế Á Châu…
VH