Trong 12 tháng đầu tiên miễn thị thực nhập cảnh (từ tháng 7 năm 2015 đến tháng 6/2016), tổng lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đạt gần 721.000, tăng 15,4% so với gần 625.000 lượt của 12 tháng cùng kỳ tương ứng năm 2014 và 2015. Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường Tây Ban Nha tăng 32%, Đức 18%, Italia tăng 16%, Pháp tăng 13% và Anh tăng 13%. |
Phó Chủ tịch thường trực VITA Vũ Thế Bình:
Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và các thị trường trọng điểm khác của Du lịch Việt Nam. Việc miễn thị thực cho công dân các quốc gia này sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam trong những năm tới và đạt kế hoạch 18-20 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 08- NQ/TW.
Những nội dung trong Nghị quyết 08 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo ra cơ hội thuận lợi để du lịch phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước đồng thời cũng là những hỗ trợ đặc biệt để các doanh nghiệp du lịch nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện phát triển.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, giải pháp đầu tiên là đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét miễn thị thực cho công dân các nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam. Việc triển khai cấp visa điện tử hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân 40 quốc gia xin visa vào Việt Nam. Nhưng điều đó không đủ. Đối với các quốc gia phát triển du lịch, chính sách miễn thị thực luôn là yếu tố cạnh tranh để thu hút khách. Vì vậy, theo đề nghị của các doanh nghiệp du lịch, HHDL các địa phương, VITA đề nghị Chính phủ tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và Belarus trong 5 năm từ 1/7/2017 – 30/6/2022.
Bên cạnh đó, cần xem xét để cho phép miễn visa cho công dân một số quốc gia khác có nguồn khách lớn đến Việt Nam như Ấn Độ, Úc, Canada và các nước Đông Âu (Ba Lan, Sec, Slovakia, Bungaria, Hungaria, Rumania), các nước Kazakhstan, Uzbekistan, Azerbaijan, Armenia...
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh:
Các nước Tây Âu là những thị trường nguồn quan trọng và có tiềm năng lớn. Chính sách miễn thị thực mới chỉ thực hiện 2 năm nay nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp du lịch TP. Hồ Chí Minh mong muốn Chính phủ tiếp tục miễn thị thực cho khách đến từ các thị trường này từ sau ngày 30/6/2017 và kéo dài thời gian thực hiện lên 5 năm, thay vì quyết định theo từng năm như hiện tại, đồng thời kiến nghị kéo dài thời gian miễn thị thực cho khách Tây Âu lên gấp đôi là 30 ngày vì nhiều du khách đến từ những thị trường xa này có nhu cầu đi du lịch dài ngày ở Việt Nam… Việc công bố sớm sẽ giúp doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng, quảng bá sản phẩm để chào bán cho khách.
Việc miễn visa không phải là vấn đề tiền đối với du khách mà là xóa được những phiền hà từ thủ tục xuất nhập cảnh và quan trọng hơn là thể hiện sự hiếu khách cho những thị trường tiềm năng để khách thấy họ được chào đón khi đến thăm Việt Nam.
Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang Từ Quý Thành:
Qua gần 2 năm thực hiện miễn visa cho 5 nước Tây Âu chúng ta đã thấy rõ tác động tích cực. Cũng nên thấy, thế giới họ đang làm thế nào, họ được lợi hay thiệt mà cứ mở liên tục, miễn càng ngày càng nhiều để đón người dân khắp thế giới đến đất nước họ. Việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không phải chỉ là trách nhiệm của ngành Du lịch mà là của các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Hơn nữa, đã xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp thì cũng phải chấp nhận quy luật cạnh tranh và điều tiết của thị trường.
Giám đốc Hanoitourist Lưu Đức Kế
Hãy thử làm bài toán giữa việc thu phí visa vài chục USD/khách và việc bãi bỏ phí cũng như đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh để chào mời du khách tới xem được mất thế nào. Một du khách ở lại nước ta hàng chục ngày và chi tiêu cho hàng nghìn USD cho dịch vụ như ăn uống, lưu trú, vận chuyển, hàng lưu niệm... thì rõ ràng lợi ích kinh tế to lớn từ chính sách miễn giảm visa là không thể bàn cãi.
Khi chính sách trên được gia hạn, các đơn vị lữ hành trong nước cùng đối tác quốc tế đã phải mất đến 5, 6 tháng tiếp tục quảng bá mới có được nguồn khách ổn định, mọi việc vừa tạm ổn thì lại rơi vào vòng luẩn quẩn, thụ động, hồi hộp, lo lắng vì không biết chính sách này có tiếp tục triển khai hay không. Có thể thấy chuyện miễn visa ngắn ngủi cho thị trường 5 nước Tây Âu trong 1 năm và thông tin muộn việc có được tiếp tục gia hạn không như hiện nay rất khó mang đến lượng khách trưởng cao như mong đợi được. So với các nước cùng khu vực số lượng các thị trường được miễn giảm visa của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, các nước trên vẫn còn tiếp tục tăng đối tượng được hưởng chính sách này, như vậy nếu nước ta không công bố sớm và mở rộng thêm đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm visa thì khoảng cách đó xa lại càng xa với các nước.
VH